TRUNG TÂM Y TẾ HUYỆN HIỆP HÒA CHUẨN BỊ CÁC PHƯƠNG ÁN SẴN SÀNG ĐƯA ĐƠN VỊ CHẠY THẬN NHÂN TẠO VÀO HOẠT ĐỘNG

Ngày đăng: 8/14/2020

Để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân và giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa đang hoàn thiện để đưa đơn vị Thận nhân tạo vào hoạt động. Đây là một trong những chủ trương phát triển của Trung tâm hướng tới người bệnh, tạo cơ hội giúp người bệnh tiếp cận những dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại địa phương, đặc biệt là những người suy thận.
Theo Bác sỹ Đặng Bá Nhiên, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết: Trung tâm đã hoàn tất các điều kiện cần thiết để triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo tại đơn vị. Cụ thể, Trung tâm đã trang bị cho Đơn vị chạy thận nhân tạo 7 máy chạy thận nhân tạo cùng các thiết bị khử mùi, khử trùng, máy rửa màng lọc thận, hệ thống xử lý nước RO với tổng kinh phí hơn 5 tỷ đồng, đáp ứng chạy thận nhân tạo cho 21 bệnh nhân/ngày. Kinh phí này lấy hoàn toàn từ nguồn qũy hoạt động sự nghiệp của đơn vị.
Về nhân lực, từ năm 2018 đến nay, Trung tâm đã cử ê kíp bác sỹ, điều dưỡng tham gia đào tạo chuyên môn về thận nhân tạo tại Bệnh viện Bạch Mai, và tại Khoa Thận nhân tạo- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang. Bố trí khu chạy thận nhân tạo tại khu vực riêng biệt với diện tích hơn 100 m2 rất khang trang, sạch đẹp. Đến nay, Trung tâm đã có đủ nhân lực và trang thiết bị thực hiện kỹ thuật thận nhân tạo.
Bên cạnh các bước chuẩn bị về mặt nhân lực, cơ sở vật chất, hạ tầng thì công tác chuyên môn cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng, đúng quy trình. Ngoài việc triển khai thực hiện 52 quy trình chạy thận nhân tạo do Bộ Y tế đã ban hành thì Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa cũng đã giao cho Phòng Kế hoạch - nghiệp vụ xây dựng thêm các quy trình, từ việc lọc nước rửa quả thận đến các quy trình chuẩn bị chăm sóc người bệnh, khám bệnh cũng như theo dõi người bệnh trong quá trình chạy thận và sau chạy thận... Cùng với đó, Ban Giám đốc cũng luôn quan tâm đến công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện quy trình chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân tại Trung tâm nhằm không để xảy ra sự cố, đảm bảo an toàn và niềm tin với người bệnh.
Bác sỹ Lê Văn Phong – Phó trưởng khoa Nhi – Hồi sức cấp cứu phụ trách đơn vị chạy thận nhân tạo tại Trung tâm cho biết: “Đối với các bệnh nhân bị bệnh thận mãn tính giai đoạn cuối, để duy trì sự sống thì song song với điều trị nội khoa cần kết hợp 1 trong 3 phương pháp điều trị là chạy thận, lọc màng bụng và ghép thận. Tuy nhiên, chạy thận nhân tạo vẫn là lựa chọn phổ biến nhất hiện nay. Đây là quá trình lọc máu thận chu kỳ mà bệnh nhân phải gắn bó lâu dài, nhằm thanh lọc những chất cặn bã và lượng nước dư thừa trong cơ thể. Trung bình, mỗi bệnh nhân phải thực hiện chạy thận từ 2-3 lần/tuần, mỗi lần chạy từ 3-4 tiếng. Với tần suất điều trị tương đối lớn như vậy, việc có thể điều trị ngay tại địa phương đã đem đến nhiều lợi ích thiết thực cho người bệnh. Không những vậy, máy chạy thận nhân tạo còn có thể đáp ứng kịp thời cho nhu cầu cấp cứu đối với những bệnh nhân bị ngộ độc bởi hoá chất, chất độc…”.
Có thể nói, việc đưa vào vận hành máy chạy thận nhân tạo tại Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa sẽ giúp bệnh nhân bị suy thận cấp và suy thận mạn tính được điều trị ngay tại huyện nhà, thay vì phải đến các bệnh viện tuyến trên để chạy thận như trước đây. Qua đó hạn chế việc chuyển tuyến, giảm áp lực đối với bệnh viện tuyến trên, giúp cho các bệnh nhân được điều trị kịp thời, giảm chi phí, thời gian đi lại cho người bệnh và người nhà bệnh nhân. Đồng thời từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ nhân dân trên địa bàn./. 

Người đăng: admin